TIỂU SỬ - SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG
TIỂU SỬ VÀ SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH LÀ MỘT NHÀ ÁI QUỐC CHÂN CHÍNH, NHÀ CÁCH MẠNG SÁNG SUỐT, VỊ LÃNH TỤ THIÊN TÀI
Chủ tịch Hồ Chí Minh
(1890 - 1969)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều bí danh, bút danh khác) sinh ngày 19/5/1890 ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; mất ngày 2/9/1969 tại Hà Nội.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại tiến bộ trên thế giới, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết 24C/1865 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990) tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
HOÀN CẢNH GIA ĐÌNH VÀ KHÁT VỌNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC (1890-1911)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung), sinh ngày 19/05/1890 trong một gia đình nhà Nho yêu nước, ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm.
Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thời niên thiếu và thanh niên của mình, Hồ Chí Minh đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân. Điều đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến Hồ Chí Minh và thôi thúc Người sớm có chí đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.
Với ý chí quyết tâm, tinh thần yêu nước nồng nàn và sự nhạy bén về chính trị, ngày 05/06/1911, Hồ Chí Minh đã rời Tổ quốc đi sang phương Tây, trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin với cái tên Văn Ba ra đi tìm đường giải phóng dân tộc. Người khẳng định: “Tôi muốn ra nước ngoài xem, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM CON ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG & SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA VỊ LÃNH TỤ VĨ ĐẠI
NGUYỄN TẤT THÀNH RỜI BẾN CẢNG NHÀ RỒNG BẮT ĐẦU HÀNH TRÌNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
Từ năm 1911 - 1917, dưới bí danh Văn Ba, Người đã đến Pháp và nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, sống hoà mình với phong trào đấu tranh của nhân dân lao động. Cảm thông sâu sắc trước cuộc sống khổ cực của tầng lớp lao động và các dân tộc thuộc địa, Người sớm nhận thức được cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới và tích cực hoạt động nhằm đoàn kết nhân dân các dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
SỰ NHẬN THỨC CỦA HỒ CHỦ TỊCH VỀ ĐỘC LẬP DÂN TỘC
Năm 1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, gia nhập “Hội những người Việt Nam yêu nước” vào Đảng Xã hội Pháp và hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Theo Người đây là tổ chức theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại Cách mạng Pháp: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Tháng 6/1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Hồ Chí Minh đã gửi tới Hội nghị Vécxây (Versailles) Bản yêu sách của nhân dân An Nam, yêu cầu trả quyền tự do và quyền bình đẳng cho dân tộc Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa.
KHOẢNH KHẮC QUYẾT ĐỊNH TRONG NHẬN THỨC TƯ TƯỞNG CỦA NHÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRẺ TUỔI
Nguyễn Ái Quốc đã được những người bạn Pháp trao cho tờ báo Nhân đạo (L’Humanité) – Cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp, số ra ngày 16 và 17/7/1920 đăng Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin, tạo ra bước chuyển căn bản và mở đầu một chuyển biến cách mạng thực sự trong lịch sử tư tưởng dân tộc Việt Nam. Không kiềm được sự cảm động và phấn khởi, Người đã thốt lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”
TỪ MỘT NGƯỜI YÊU NƯỚC TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI CỘNG SẢN
Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng là người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
“Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
BÁO “NGƯỜI CÙNG KHỔ” - DIỄN ĐÀN CỦA VÔ SẢN THUỘC ĐỊA
Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, tuyên truyền cách mạng cùng một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp. Hội xuất bản báo “Người cùng khổ” (Le Paria). Trong bài Lời kêu gọi đăng ở số báo đầu tiên, Người chỉ ra mục địch của tờ báo là giúp đoàn kết, tổ chức và hướng dẫn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.
“AN NAM MUỐN CÁCH MỆNH THÀNH CÔNG, THÌ TẤT PHẢI NHỜ ĐỆ TAM QUỐC TẾ”
Ngày 13/06/1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô. Tại đây, Người bắt đầu thời kỳ hoạt động, học tập, nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin và làm việc tại Quốc tế Cộng sản.
Ngày 16/10/1923, tại Hội nghị Quốc tế Nông dân lần thứ I, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân và là đại biểu duy nhất của nông dân thuộc địa được cử vào Đoàn Chủ tịch của Hội đồng.
NGUYỄN ÁI QUỐC TÍCH CỰC HOẠT ĐỘNG TRONG PHONG TRÀO CỘNG SẢN QUỐC TẾ
Người tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, Đại hội Quốc tế Thanh niên lần thứ IV, Đại hội Quốc tế Công hội đỏ. Với tư cách là Uỷ viên Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản và Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc được giao nhiệm vụ theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á.
SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI VIỆT NAM CÁCH MẠNG THANH NIÊN
Với mong muốn tập hợp những thanh niên Việt Nam ưu tú, giàu lòng yêu nước, đang khát khao tìm đến con đường cứu nước đúng đắn, để xây dựng một tổ chức cách mạng, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc quyết định lập ra một nhóm bí mật làm hạt nhân cho một số rộng lớn sau này, thông qua một lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cách mạng. Tháng 6/1925, trên cơ sở hạt nhân là Cộng sản Đoàn, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cho xuất bản tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (Paris), nêu rõ nỗi thống khổ và sức mạnh của nhân dân các nước thuộc địa.
BÁO THANH NIÊN - CƠ QUAN NGÔN LUẬN CỦA HỘI VIỆT NAM CÁCH MẠNG THANH NIÊN RA ĐỜI
Sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập, Hội đã cho ra tuần báo “Thanh niên”, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam, đại diện cho tiếng nói Báo chí cách mạng, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
VĂN KIỆN LÝ LUẬN ĐẶT CƠ SỞ TƯ TƯỞNG CHO ĐƯỜNG LỐI CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Đầu năm 1927, các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện được tập hợp in thành sách “Đường Kách mệnh”. Nội dung cuốn sách đã khẳng định: Cách mạng trước tiên cần có Đảng Cách mạng. Đảng có vững cách mạng mới thành công. Do đó, Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm cốt, trong Đảng ai cũng phải học, ai cũng phải theo.
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI – BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Từ ngày 03 – 07/02/1930, tại Cửu Long (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị và hợp nhất ba tổ chức Cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là tất yếu của lịch sử, sự phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam kết hợp với chủ nghĩa Mác – Lênin, là kết quả quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
BÔNG HOA “KHÔNG THỂ HÁI” TRÊN ĐẤT HỒNG KÔNG
Từ năm 1931 – 1933, với tên gọi Tống Văn Sơ, Người bị thực dân Anh bắt giam giữ ở Hồng Kông
NHỮNG NĂM THÁNG HỌC TẬP VÀ LÀM VIỆC CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC TẠI NƯỚC NGOÀI (1933 – 1940)
Sau khi được trả tự do vào cuối năm 1932, từ 1934-1938, Nguyễn Ái Quốc theo học tại Trường Quốc tế Lênin, sau đó công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người vẫn theo dõi sát sao phong trào cách mạng trong nước và xây dựng các đường dây liên lạc quốc tế nhằm hậu thuẫn cho lực lượng cách mạng Việt Nam. Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc được chỉ định là đại diện của Đảng ở Quốc tế Cộng sản và được cử đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản vào ngày 31/3/1935. Tháng 10/1938, Người rời Liên Xô đến Trung Quốc, làm việc tại Bộ chỉ huy Bát lộ quân, sau đó bắt liên lạc với tổ chức Đảng, chuẩn bị về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRỞ VỀ NƯỚC SAU CUỘC HÀNH TRÌNH 30 NĂM
Ngày 28/1/1941, tại cột mốc 108 biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đặt chân về Việt Nam sau hơn 30 năm xa Tổ quốc.
MẶT TRẬN VIỆT MINH VÀ TƯ TƯỞNG ĐẠI ĐOÀN KẾT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Tháng 5/1941, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết định đường lối cứu nước trong thời kỳ mới, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), thay cho Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương (thành lập theo Quyết nghị của Hội nghị Trung ương VI – khóa I, tháng 11 năm 1939), nhằm tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng.
NƠI TẬP THƠ “NHẬT KÝ TRONG TÙ” ĐƯỢC SÁNG TÁC
Tháng 8/1942, Nguyễn Ái Quốc đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội Quốc tế chống xâm lược sang Trung Quốc tìm sự liên minh quốc tế. Người bị chính quyền của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc
ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN RA ĐỜI
Cuối năm 1943, Hồ Chí Minh được trả tự do, Người rời Liễu Châu trở về hoạt động tại Pác Bó, Cao Bằng. Tháng 12/1944, Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
THƯ KÊU GỌI TỔNG KHỞI NGHĨA
Tháng 8/1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tộc Việt Nam theo sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đứng lên Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc Tổng khởi nghĩa thành công, chính quyền cách mạng về tay nhân dân.
BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
Ngày 02/09/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chính phủ Cách Mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên bố nền độc lập của dân tộc Việt Nam trước đồng bào cả nước và nhân dân thế giới.
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” – Trích đoạn “Tuyên ngôn độc lập”
CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI LẦN ĐẦU TIÊN
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, Người được được Quốc hội giao nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới do Người làm Chủ tịch nước, đồng thời kiêm Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ II CỦA ĐẢNG
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, diễn ra từ ngày 11-19/02/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng của Đảng Lao động Việt Nam.
ĐIỆN BIÊN PHỦ – CHIẾN THẮNG CỦA SỨC MẠNH TRÍ TUỆ VÀ LÒNG DÂN VIỆT NAM
Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ 1954, giải phóng hoàn toàn miền Bắc và Hiệp định Géneva được ký kết.
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ III CỦA ĐẢNG
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (từ ngày 5-10/09/1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa đấu tranh giải phóng miền Nam.
“Nước Việt Nam ta nhất định phải thống nhất. Đồng bào Nam và Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”
DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân Việt Nam bản Di chúc lịch sử, căn dặn những việc Đảng và nhân dân Việt Nam phải làm để xây dựng đất nước sau chiến tranh. Ngày 05/10/1965, Người bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc. “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”…”
NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA BÁC HỒ
Hà Nội, lúc 9 giờ 47 phút, ngày 02/09/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, trước sự tiếc nuối của dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới.
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - “ANH HÙNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, NHÀ VĂN HÓA KIỆT XUẤT”
Trong khóa họp lần thứ 24 của UNESCO tại Paris (Pháp) đã thông qua nghị quyết 24C/18.6,5 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong tặng danh hiệu Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam vào năm 1990. Mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam – Thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TỰ PHÊ BÌNH
Báo cáo trước Quốc hội về những sai lầm của “Cải cách ruộng đất”, Hồ Chủ tịch đã tự phê bình và nhận trách nhiệm trước toàn dân. Nước mắt Bác đã rơi xuống khi nói đến những tổn thất đau thương do sai lầm gây ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận những khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có và tìm mọi cách mà sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
LỄ QUỐC TANG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Lần đầu tiên một bộ phim tư liệu màu về lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh do hãng truyền hình Nihon Denpa News (NDN, Nhật Bản) thực hiện được công chiếu trên VTV. Đây là bộ phim đầu tiên và duy nhất về lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hình ảnh màu mà đài vừa mua bản quyền. Hãng NDN thực hiện quay phim về chiến tranh ở Việt Nam trong bảy năm (từ 1962 đến 1969) với nhiều tư liệu quý về cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam.
Bộ phim này đã được biên tập riêng về lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh với thời lượng chín phút, ở thể loại phim tài liệu pha lẫn phóng sự. Phim được thuyết minh tiếng Việt và phụ đề tiếng Anh trên nền bản phim gốc là tiếng Nhật.
Các hình ảnh trong phim gây xúc động mạnh nhờ độ chân thực khi lột tả cảm xúc và tình cảm của nhân dân trong niềm tiếc thương đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phim diễn tả trong lễ quốc tang, 150 ngàn người tham dự, có đủ cả nông dân, công nhân, học sinh đến các vị lãnh đạo của Đảng, nhà nước khóc thương với những tình cảm thật đặc biệt. Có nhiều chi tiết thể hiện sâu sắc sự quan tâm, sẻ chia của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến người xem không khỏi xúc động, như sau khi kết thúc buổi lễ chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1-5-1966, các đại biểu ùa lên chụp ảnh cùng Bác, Bác lấy hoa ở bàn hội nghị tặng cho từng người. Khi trông thấy người quay phim đang loay hoay với máy quay, Bác ân cần lấy một bông hoa cài vào khuy áo ngực và người được Bác tặng hoa một cách đặc biệt ấy chính là nhà quay phim Nhật Bản đã ghi lại những hình ảnh cho bộ phim này./.
XEM THÊM