TỦ SÁCH DI SẢN HỒ CHÍ MINH
TỦ SÁCH DI SẢN HỒ CHÍ MINH
TỦ SÁCH LÀ TẬP HỢP NHIỀU ĐẦU SÁCH, BẢN ĐỒ, NỘI DUNG, TÀI LIỆU, HÌNH ẢNH QUÝ GIÁ, PHẦN NÀO KHÁI QUÁT ĐƯỢC CUỘC ĐỜI, HOẠT ĐỘNG VÀ TƯ TƯỞNG, PHONG CÁCH CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Hồ Chí Minh bàn về quân sự
Tư duy quân sự Hồ Chí Minh đậm chất “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, trong đó nổi bật là nghệ thuật đánh địch bằng thế trận chiến tranh nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao; tiến công liên tục, đánh thắng từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Tư duy quân sự thiên tài đó bắt nguồn từ truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam, và được làm phong phú thêm bởi khoa học quân sự nước ngoài.
Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân
Bác Hồ cũng luôn quan tâm tới việc học tập của toàn dân. Người chỉ rõ: “Muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng”; “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”; Phương châm, phương pháp học tập là “lý luận liên hệ với thực tế”; “Học để hành: Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”; “Cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”. Người cảnh báo: “Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”; “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều”.
Đặc sắc văn hóa Hồ Chí Minh
Trong cuộc đời làm biên tập và viết văn của Nguyễn Gia Nùng có một may mắn không dễ gì có được, đó là được làm biên tập bản thảo mấy cuốn sách được Bác Hồ trực tiếp đọc, cho ý kiến trước khi đưa in. Chuyện khởi đầu từ năm 1965. Đồng chí Hoàng Quốc Việt là Chủ tịch Tổng công đoàn lúc ấy lên trực tiếp lên báo cáo với Bác xin được ra một tập sách nói về tình cảm của giai cấp công nhân cùng những người lao động cả nước với Bác, mãi đến đầu tháng 3 năm 1965, Bác mới đồng ý nhưng dặn đồng chí Hoàng Quốc Việt là sách chỉ nên ra mỏng. Đồng chí Hoàng Quốc Việt rất mừng, liền giao cho Nhà xuất bản Lao động, cơ quan xuất bản của Tổng công đoàn, triển khai ngay công việc làm sách. Nguyễn Gia Nùng và mấy cán bộ biên tập chủ chốt khác được đồng chí Hoàng Quốc Việt gọi lên trực tiếp giao nhiệm vụ. Ai cũng phấn khởi vui mừng, nhưng cũng lo lắng thấy đây là một trách nhiệm rất nặng nề mà thời gian quá gấp, yêu cầu lại rất lớn. Nhất là khi nghe đồng chí Hoàng Quốc Việt nói lại ý của Bác là muốn đọc bản thảo trước khi in. Với sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người viết khắp nơi, những cố gắng cao độ không kể ngày đêm của những người làm sách, của cán bộ, công nhân nhà in, một kỷ lục làm sách chưa từng có đến lúc ấy đã ra đời. Kể từ ngày bắt đầu tổ chức bản thảo biên tập duyệt tới khi sách in xong chỉ 45 ngày! Tập sách dày hơn 200 trang, có ảnh phụ bản, thuộc loại sách đẹp ngày ấy. Nhưng niềm vui và bài học sâu sắc nhất của Nguyễn Gia Nùng cùng những người biên tập sách chính là những ý kiến cụ thể của Bác với tập bản thảo. Bác đã đánh dấu để lại không ít bài, ghi ý kiến cụ thể bằng bút bi đỏ bên lề nhiều trang bản thảo đề nghị xem lại nội dung, tính chính xác của tư liệu và cả cách dùng chữ nghĩa, lỗi văn phạm, cách viết… Bác khen cố gắng của những người làm sách nhưng trách “Các chú tham, sách dày!”. Đây quả là những bài học quý vô giá với những người làm công tác biên tập và viết văn. Sau bộ sách quý này, năm 1968 Nguyễn Gia Nùng còn được làm sách Người tốt việc tốt cùng với các cán bộ biên tập của 6 nhà xuất bản ở trung ương mà bản thảo trước khi đưa in cũng được Bác trực tiếp nghe, đọc và cho ý kiến. Hơn 40 năm qua, Nguyễn Gia Nùng đã có tới hơn 100 bài viết về Bác được giới thiệu trên các sách, báo của trung ương và địa phương. Sách Đặc sắc văn hóa Hồ Chí Minh với 46 bài viết là chọn lọc trong những bài viết đó.
Từ những kỉ niệm, bài học của người làm biên tập, viết báo, viết văn, với Bác, Nguyễn Gia Nùng còn ghi lại nhiều câu chuyện và tư liệu quý giá như chuyện Luật sư Loseby và vợ kể lại vụ án Hương Cảng khi ông bà sang thăm Việt Nam dịp Tết Canh Tý – 1960, theo lời mời của Bác Hồ; chuyện Bác Hồ trồng cây ở Liên Xô và nhiều nơi trên đất nước ta; chuyện Bác Hồ gặp gỡ, nói chuyện với nhà báo và đi thăm nhiều địa phương...
Di chúc của Bác Hồ, một giáo trình tiếng Việt độc đáo
Tác giả đã căn cứ vào ảnh chụp toàn bộ bút tích di chúc của Bác Hồ do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VI) công bố vào dịp 02/9/1989 để nghiên cứu về “phong cách lao động ngôn từ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cụ thể, tác giả đã khảo sát các trường hợp Bác Hồ tự sửa chữa trong quá trình viết Di chúc nhằm tìm hiểu việc sử dụng ngôn từ của Người, để từ đó rút ra những bài học thực tiễn về các trường hợp nói và viết có hiệu lực.
Căn cứ trên ba lần viết và sửa chữa Di chúc của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các năm: 1965, 1968, và lần cuối vào ngày 10-5-1969, nhà báo Dương Thành Truyền đi tìm lời giải đáp cho thắc mắc “Vì sao Bác Hồ sửa chữa ngôn từ như thế?”.
Quá trình đó làm phát lộ nhiều chi tiết thú vị thuộc về phong cách ngôn ngữ và lối dụng ngữ của Hồ Chủ tịch.
Không chỉ là chuyện Bác cân nhắc giữa “để lại” hay “cho”, “liền” và “ngay” mà các trường hợp tổ chức lại câu văn, bổ sung phụ tố cho câu... được tác giả phát hiện và đề xuất cách tiếp cận là những kiến thức ngôn ngữ giúp bạn đọc không chỉ hiểu hơn văn bản Di chúc mà còn chia sẻ được mạch tư duy, những dụng ý đằng sau con chữ của Bác.
Bác Hồ viết di chúc
Với tình cảm sâu nặng đối với Bác Hồ và những cảm xúc, suy ngẫm sâu sắc về Di chúc, tác giả Vũ Kỳ - Thư kí của Bác đã kể lại khá chi tiết quá trình viết di chúc của Bác bắt đầu từ tháng 5 năm 1965 cho đến lúc hoàn thành.
Di chúc phản ảnh tâm hồn cao đẹp, đạo đức trong sáng “muôn vàn tình thân yêu” của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tổ quốc, với nhân dân, với phong trào cách mạng thế giới, với bầu bạn khắp năm châu, nhất là đối với thành niên và nhi đồng. Di chúc của Người đã trở thành tài sản tinh thần vô giá cho muôn đời con cháu mai sau.
Thư gửi thanh niên: Tuyển chọn các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên
Sách tập hợp các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên từ năm 1920 - 1969. Các bài viết được sắp xếp theo thứ tự thời gian, có chú giải cùng hình ảnh minh họa. Sách làm rõ thêm tư tưởng Chủ tịch Hò Chí Minh vè công tác bồi dưỡng cách mạng cho thế hệ trẻ. Sách là tài liệu cần thiết cho các đoàn viên, thanh niên, các tổ chức, cá nhân làm công tác Đoàn trong học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh.
Trẻ em như búp trên cành
Sách "Trẻ em như búp trên cành" tập hợp những bài viết, bài thơ, bức thư của Bác Hồ dành cho thiếu nhi. Đó là những lời khuyên dạy sâu sắc của vị lãnh tụ đối với thiếu nhi, cùng những hình ảnh minh họa Bác Hồ với thiếu nhi, thiếu nhi với Bác Hồ. Đây là tập sách cần thiết cho công tác học tập, làm theo lời Bác, chăm lo cho thiếu nhi, tương lai của đất nước.
Bác Hồ kể chuyện Tây du ký
Chuẩn Đô đốc Trần Văn Giang, người gắn bó cả cuộc đời của mình với biển trời Tổ quốc, được đồng đội trìu mến gọi là “Chính ủy của trời và biển”. Ông may mắn được gặp Hồ Chủ tịch nhiều lần trong các hội nghị, các lớp học, buổi liên hoan cũng như tại các đơn vị Bác tới thăm. Với cái nhìn tinh tế và trí nhớ tốt, cách kể chuyện trung thực những điều tai nghe mắt thấy và suy nghĩ của bản thân mình, trong tác phẩm này, ông đã viết 14 mẩu chuyện về Bác Hồ khá sinh động, hóm hỉnh và xúc động như: Bác của chúng ta là như thế; Bác Hồ khao quân; Bác Hồ kể chuyện Tây Du Ký; Ba câu hỏi của Bác Hồ; Bác Hồ với Sư đoàn Phòng không Hà Nội; Lẵng hoa của Bác; Mười lăm phút thiêng liêng… Các câu chuyện độc đáo ở chỗ chính tác giả “là người trong cuộc”; nội dung phản ánh tình yêu thương của Bác Hồ đối với quân và dân ta; và lòng kính yêu của bộ đội và đồng bào đối với Người, mỗi câu chuyện sinh động đều hàm chứa những bài học thực tiễn, cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Bản án chế độ thực dân Pháp
“Bản án chế độ thực dân Pháp” (Le Procès de la Colonisation Française) là tác phẩm của Hồ Chủ tịch viết bằng tiếng Pháp trong khoảng những năm 1921-1925, đăng tải lần đầu tiên năm 1925 tại Paris (thủ đô nước Pháp) trên báo Imprékor của Quốc tế Cộng sản.
Tác phẩm gồm 12 chương và phần phụ lục, với cách hành văn ngắn gọn, súc tích, cùng với những sự kiện đầy sức thuyết phục, tác phẩm tố cáo thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn khốc liệt bắt “dân bản xứ” phải đóng “thuế máu” cho chính quốc... để “phơi thây trên chiến trường châu Âu”; đày đọa phụ nữ, trẻ em “thuộc địa”; các thống sứ, quan lại thực dân độc ác như một bầy thú dữ, v.v... Tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn ngay từ khi ra đời, thức tỉnh lương tri của những con người yêu tự do, bình đẳng, bác ái, hướng các dân tộc bị áp bức đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác – Lênin, thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.
Lịch sử nước ta
Sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngay sau khi Bác Hồ kính yêu vừa trở về nước tai Pác Bó, Người đã sáng tác bài Lịch sử nước ta. Đây là bài diễn ca lịch sử nước ta bằng thể thơ lục bát dễ thuộc, dễ hiểu gồm 208 câu. Đây là một tác phẩm giàu tâm huyết, có tác dụng rất lớn trong giáo dục lịch sử, truyền thống dành cho các bạn học sinh tham khảo và học tập.
Diễn ca “Lịch sử nước ta” ngợi ca tinh thần bất khuất trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của nhân dân ta. Đồng thời, tác giả kêu gọi các tầng lớp nhân dân hãy đoàn kết, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, đứng lên làm cuộc cách mạng dân tộc, giải phóng đất nước khỏi ách thống trị thực dân Pháp.
Nhân cách Bác Hồ mỗi người có thể học ở Bác một số điều
Người đã đi xa.
Lần giở từng trang thời gian trên mặt báo Tuổi Trẻ, năm tháng đã gọi nên hàng ngàn bài viết về Người. Một giá trị to lớn không ngừng, từ một di sản vô giá của dân tộc: nhân cách và tư tưởng Hồ Chí Minh!
Kỳ lạ thay, mỗi lần được đọc về Người, lòng ta chưa bao giờ thôi xúc động. Dù là nghiên cứu của một đời hay là một lát cắt của ký ức… Dù là hệ thống các mệnh đề mang tầm phổ quát, chứa tính lý luận, hay chỉ là một mẩu chuyện đời thường bình dị… Dù là của nhà lãnh đạo, bậc thức giả, hay của một người chưa từng một lần gặp Bác… Hết thảy đều dội vào nội tâm, một sức vang sâu và xa, có khả năng bồi đắp, thanh lọc, thay đổi… Như Giáo sư Trần Văn Giàu đã dẫn lời một nhà báo nước ngoài: “… Người ta không thể trở thành một Hồ Chí Minh, nhưng ở cụ Hồ mỗi người có thể học một số điều gì làm cho mình trở thành tốt hơn…”.
Học và làm theo Bác
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức sáng ngời của Người sống mãi trong lòng kính yêu vô hạn của nhân dân Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Người mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ chúng ta học tập và noi theo.
Nhiều năm qua, cán bộ, đảng viên đã tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh trong công tác và sinh hoạt, thông qua nhiều hình thức, nhiều hoạt động. Một trong những hình thức được thực hiện khá phổ biến là kể chuyện về Bác Hồ trong sinh hoạt chào cờ đầu tuần, trong sinh hoạt chi bộ, trong các hội thi, thông qua những mẩu chuyện có thật về Bác Hồ, người kể lồng ghép tình cảm, cách hiểu, rồi rút ra bài học và thể hiện lời hứa quyết tâm học tập từ câu chuyện; điều đó đã ít nhiều gợi mở và thấm vào nhận thức, tình cảm của người nghe. Vì vậy, hình thức kể chuyện được duy trì ở hầu hết cơ quan, đơn vị và có những ý nghĩa thiết thực.
Là người tham gia tuyên truyền việc học tập và làm theo gương Bác từ nhiều năm qua, tác giả đã chú ý ghi chép lại những chuyện mà mình tâm đắc, rồi tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Với những chuyện có thể lan tỏa đến người khác, ông chủ động nghĩ ra các gợi ý cách học tập, cách vận dụng, có liên hệ với bối cảnh thực tế để có thể vận dụng vào những địa phương, đơn vị cụ thể. Thông qua các chuyện kể, các bài học sâu sắc, có ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn, Học và làm theo Bác muốn chia sẻ cùng bạn đọc để qua đó chúng ta có thể lắng đọng những cách nghĩ, cách làm cũng như chúng ta càng yêu kính Bác, như hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”...